Chuyên mục:
Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2019,
triển khai nhiệm vụ năm 2020
Ngày 08/01/2020 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 khu vực phía Bắc.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020; Đại diện một số Bộ ngành trung ương, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT: Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT,… Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối NTM, Chi cục Phát triển nông thôn, đại diện một số doanh nghiệp, HTX, hiệp hội, hội nghề và làng nghề các tỉnh khu vực phía Bắc từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra,
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe dự thảo các báo cáo: Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đến hết năm 2019, nhiệm vụ triển khai năm 2020; Báo cáo về việc triển khai Bộ tiêu chí OCOP và xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; Báo cáo tham luận của một số tỉnh, thành phố, các chuyên gia, đơn vị tư vấn, đại diện một số HTX, doanh nghiệp, hiệp hội,...
Sau hơn 1,5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là nhận thức của xã hội và cấp uy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, HTX về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, được sự ủng hộ của xã hội và chính quyền các cấp, tạo động lực tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả nước có 61/63 tỉnh đã phê duyệt, triển khai Đề án/Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trong đó có: 37 tỉnh phê duyệt đề án, 19 tỉnh ban hành kế hoạch, 5 tỉnh ban hành cả đề án và kế hoạch; Một số địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình (Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bến Tre,…). Nhiều địa phương tổ chức các đoàn công tác là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, HTX đi tham quan học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, Thái Lan, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bến Tre, Bắc Kạn,... Đã có 19 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm và có quyết định công nhận cho trên 900 sản phẩm OCOP (đạt 33,16% so với kế hoạch đề ra năm 2020 là 2.400 sản phẩm) của 583 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm đạt 4 sao và 585 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP từng bước được củng cố, phát triển, nhiều chủ doanh nghiệp, HTX có độ tuổi còn trẻ, tỷ lệ nữ đáng kể, có trình độ, hoạt động nhanh nhạy với cơ chế thị trường. Tổng nguồn lực huy động dự kiến của 3.300 tổ chức kinh tế để sản xuất sản phẩm OCOP đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình OCOP còn gặp một số hạn chế, khó khăn như: tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch (còn 2 tỉnh chưa phê duyệt đề án là Tây Ninh và Kiên Giang); Hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình từ Trung ương đến địa phương còn thiếu về số lượng, nhất là cấp tỉnh còn kiêm nhiệm nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo điều hành, tham mưu triển khai, cụ thể hóa việc áp dụng cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn địa phương; Chương trình OCOP khi triển khai trên diện rộng, nảy sinh nhiều vấn đề mới, trong đó nổi bật là việc triển khai chu trình OCOP còn lúng túng, chưa chặt chẽ; Nhiều địa phương chưa thật sự chủ động, phụ thuộc đơn vị tư vấn, trong khi số lượng đơn vị tư vấn triển khai thực hiện Chương trình OCOP chưa nhiều.
Một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn chặt chẽ chương trình OCOP với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước; Phấn đấu 100% tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh xong trước 30/8/2020; Tiêu chuẩn hóa, công nhận thêm ít nhất 1.200 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.400 sản phẩm. Tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia lần thứ nhất vào quý III (dự kiến từ 15/9-30/10/2020); Tổ chức 01 lớp tập huấn phong trào OVOP tại Nhật Bản cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; Triển khai xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những vùng có đủ điều kiện; Tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2018-2020; Xây dựng đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2020; Tổ chức Festival/Hội chợ OCOP quốc gia, công bố phê duyệt đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia lần thứ nhất vào quý IV/2020,…
Đỗ Văn Huy
Chi cục Phát triển nông thôn