Kết quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021; Phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2022

Chuyên mục: 

Kết quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021;

Phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2022

 

Năm 2021, Chương trình mỗi xã một sản phẩm triển khai thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, phức tạp, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 7 tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện Chương trình. Song, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ngành, địa phương và sự quyết tâm nhằm hoàn thành mục tiêu Kế hoạch giao, cùng việc triển khai linh hoạt, sáng tạo có hiệu quả các cơ chế chính sách, sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể sản xuất, sự đồng hành của các cơ quan truyền thông nên Chương trình OCOP đạt được kết quả toàn diện. Số lượng sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên cao nhất từ trước đến nay (61 sản phẩm), vượt kế hoạch 174%. Hiện toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có số sản phẩm OCOP thuộc Top đầu cả nước (đứng thứ 2 khu vực Miền núi phía Bắc, sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước). Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2021

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT với vai trò là cơ quan thường trực đã tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình; Kế hoạch Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang; thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm tham gia Chương trình.

Đồng thời Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và chủ thể vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản phẩm.

Căn cứ kế hoạch của tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, thành lập bộ phận điều hành đến từng xã, phường để thực hiện Chương trình đảm bảo hiệu quả.

2. Công tác tuyên truyền, vận động

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông của trung ương và địa phương như: Báo Bắc Giang; Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh; Báo Công thương; Báo Làng nghề; Báo Kinh tế nông thôn; Báo Đại biểu nhân dân,... xây dựng các tin, bài viết, chuyên mục về chương trình OCOP, quảng bá các sản phẩm OCOP. Năm 2021 đã có gần 300 tin, bài viết, phóng sự, clip truyền hình tuyên truyền về Chương trình OCOP và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang. Đồng thời đã triển khai biên tập và phát hành cẩm nang sản phẩm OCOP, duy trì website Sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang (http://ocopbacgiang.vn) cung cấp các thông tin cần thiết về triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, qua đó đã thông tin quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

3. Công tác tư vấn, hướng dẫn thực hiện Chương trình

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên năm 2021 Sở Nông nghiệp và PTNT không tổ chức tập huấn hướng dẫn cho các chủ thể tham gia chương trình. Tuy nhiên, để giúp các chủ thể và người dân hiểu được trình tự các bước, thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia. Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đổi mới trong cách tư vấn, phân công cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, đồng thời thành lập nhóm Zalo để trao đổi thông tin, tư vấn online, tuyên truyền các chủ trương chính sách liên quan, đồng thời hướng dẫn các chủ thể về điều kiện, thủ tục tham gia. Phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tại cơ sở.

4. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm

Căn cứ Kế hoạch số 569/KH-UBND ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang năm 2021. Tổng số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình năm 2021 là 92 sản phẩm. Do số lượng sản phẩm đăng ký tham gia lớn, đồng thời phải chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 và nhiều sản phẩm có tính chất mùa vụ nên Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm (đợt 1 vào tháng 7/2021; đợt 2 vào tháng 11/2021). Trong đó:

- Tổng số sản phẩm các huyện, thành phố đề xuất tham gia đánh giá: 63 sản phẩm (53 sản phẩm thực phẩm; 09 sản phẩm đồ uống và 01 sản phẩm thảo dược), trong đó: Yên Thế 12; Lạng Giang 12; Tân Yên 08; Việt Yên 06; Lục Nam 06; Lục Ngạn 05; TP. Bắc Giang 04; Sơn Động 04; Hiệp Hòa 03; Yên Dũng 03.

- Số sản phẩm được đánh giá đạt OCOP từ 3 sao trở lên: 61 sản phẩm (01 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao), trong đó: có 12 sản phẩm 4 sao; 49 sản phẩm 3 sao.

Hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2021

 

5. Công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm

a. Hỗ trợ tem nhãn mác sản phẩm: Nhằm giúp các sản phẩm tham gia Chương trình từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2121/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 Phê duyệt danh sách hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, tem nhãn mác sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021. Tổng số HTX, chủ thể được hỗ trợ là 22 đơn vị, trong đó:

- Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu: 3 đơn vị

- Hỗ trợ tem nhãn mác sản phẩm: 19 đơn vị.

Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 460.000.000 đồng.

b. Hỗ trợ kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP

- Tổng số sản phẩm: 15 sản phẩm

- Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ: 73.600.000 đồng

6. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Đã tổ chức đưa trên 100 lượt sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia Hội chợ triển lãm thực tế ảo tại diễn đàn Quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam do Bộ ngoại giao và Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức, nhằm quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh. Diễn đàn có gần 1.500 đại biểu tham dự, trên 300.000 lượt tham quan triển lãm; về phía quốc tế có hơn 100 đại biểu là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có các diễn giả đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Israel, Ngân hàng thế giới, tập đoàn Tài chính quốc tế, đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại các địa phương trong cả nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Các chủ thể đã chủ động đưa sản phẩm tham gia vào các kênh bán hàng online như: Voso, san24h; shopee; tiki;… qua đó giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi trong mùa dịch (sản phẩm Mỳ gạo Chũ của HTX sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương; HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể; các sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế của HTX nông nghiệp xanh Yên Thế;…).

Sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2021

 

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Chương trình mỗi xã một sản phẩm hiện nay được nhận định là hướng đi đúng trong phát triển sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy nội lực của chủ thể và những lợi thế của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, qua đó góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần khu vực nông thôn và nâng cao chất lượng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch covid-19 nhưng đã có 61 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên (lớn nhất từ trước đến nay), trong đó có 12 sản phẩm 4 sao và 49 sản phẩm 3 sao (vượt kế hoạch đề ra 26 sản phẩm). Luỹ kế hết năm 2021 toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao (đưa Bắc Giang trở lên vị trí thứ 2 khu vực Miền núi phía Bắc, sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP). 100% Sản phẩm được đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu công nghiệp và được kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi tung ra thị trường.

Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, điển hình như huyện Tân Yên, Sơn Động, Yên Dũng,… đã giao phòng chuyên môn, cán bộ địa phương chủ động phối hợp với Chi cục PTNT tham gia hướng dẫn chủ thể trong suốt quá trình thực hiện Chương trình.

2. Một số khó khăn, hạn chế

- Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn vốn năm 2021 cho chương trình giảm và phân bổ muộn nên đã không tổ chức được các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình; không có đơn vị tư vấn,… nên đã ảnh hưởng đến tiến độ (đặc biệt là với các đơn vị mới). Đồng thời việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự tái đầu tư của các chủ thể.

-  Một số địa phương, cơ sở và chủ thể chưa thực sự nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, chưa nhìn nhận rõ trách nhiệm của đơn vị khi tham gia chương trình OCOP.

- Số sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế, phần lớn là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp, quy mô sản xuất nhỏ và trung bình, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, liên kết theo chuỗi.

- Bao bì, tem nhãn dù đã được quan tâm song chưa thật sự nổi bật, nội dung còn chưa đầy đủ, tem nhãn truy xuất chưa được cập nhật thông tin, thiết kế đơn giản, chưa quan tâm nhiều đến tính tiện ích trong sử dụng của sản phẩm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NĂM 2022

1. Nhiệm vụ

1.1. Tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan báo đài trung ương, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP để tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương.

1.2. Tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức về Chương trình OCOP cho Cán bộ quản lý, phụ trách Chương trình OCOP ở các cấp; Các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Tập trung tập huấn, hướng dẫn cách thức triển khai và vận hành Chương trình OCOP; tư vấn, hỗ trợ các chủ thể kinh tế OCOP; xây dựng, vận dụng chính sách áp dụng đối với OCOP; bộ tiêu chí OCOP; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, học tập, trao đổi kinh nghiệm,...

1.3. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP phù hợp với lợi thế của từng địa phương. Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 có thêm 25-30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho từ 5-10 sản phẩm; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ,…). Đồng thời phấn đấu có tối thiểu 01 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh (dự kiến lựa chọn các huyện: Yên Thế, Việt Yên, Lục Ngạn và TPBG).

1.4. Về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

Tham gia các Hội chợ, hội nghị, hội thảo liên kết xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP,… nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối, đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng website quảng bá sản phẩm để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền quảng bá và bán hàng.

1.5. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể các nội dung Quản lý nhãn hiệu, tem nhãn mác sản phẩm; Hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, kiểm nghiệm chất lượng đối với các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

1.6. Phát triển, củng cố các chủ thể kinh tế OCOP; Khuyến khích thành lập mới nhiều HTX để tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra được quy trình chuẩn, sản xuất hàng hoá, quy mô lớn và đảm bảo chất lượng.

1.7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong: Truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP.

1.8. Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm

a. Cấp huyện:

+ Đợt 01: Trước ngày 10/7/2022

+ Đợt 02: Trước ngày 10/10/2022.

b. Cấp tỉnh:

+ Đợt 01: Trước ngày 30/7/2022

+ Đợt 02: Trước ngày 30/10/2022.

Căn cứ điều kiện thực tế tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm và trao giấy chứng nhận các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; kết hợp trưng bày các sản phẩm OCOP. Thời gian: Xong trước 15/12/2022.

1.9. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP./.

Nguyễn Cao Lâm

Chi cục PTNT

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.