Kết quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang năm 2022.

Chuyên mục: 

Kết quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022.

Như chúng ta đã biêt Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Mục đích của Chương trình là xây dựng, phát triển, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa để nâng cao chất lượng của 06 nhóm sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Năm 2022 là năm thứ 4 Chương trình OCOP được tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn 10/10 huyện, thành phố. Chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ùy, UBND tỉnh, các cấp ngành địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.  ĐỐi với Sở Nông nghiệp & PTNT năm 2022 đã giao Chi cục Phát triển nông thôn chủ động tham mưu Sở trình UBND tỉnh và Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh ban hành văn các văn bản chỉ đạo, Quyết định, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch 495/KH-UBND ngày 09/02/2022, Kế hoạch số 593/KH-UBND ngày 10/3/2022 về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm và tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022; Quyết định số 608/QĐ-UBND ngày 21/4/2022 của UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh năm 2022; Quyết định 699/QĐ-HĐĐG ngày 04/5/2022 của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022 ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022),...

Bên cạnh đó nhằm duy trì, nâng hạng sao sản phẩm OCOP, đồng thời định hướng phát triển mới các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP, năm 2022 Sở NN và PTNT đã tham mưu tổ chức thành công Hội thảo nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; đồng thời chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp thường xuyên với phòng, ban các huyện, thành phố thực hiện tư vấn, hỗ trợ các chủ thể duy trì, phất triển các sản phẩm OCOP đã được công nhận; thực hiện rà soát các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tại các địa phương tư vấn, hướng dẫn xây dựng hồ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2022; đôn đốc các huyện rà soát, tổng hợp nhu cầu đánh giá lại các sản phẩm OCOP hết hiệu lực, hướng dẫn chủ thể sản xuất hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Tổ chức 03 lớp tập huấn cho trên 200 cán bộ quản lý cấp huyện, xã và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; Tổ chức cho trên 300 lượt sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các Hội chợ triển lãm kiện giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOPgắn với văn hoá các tỉnh Nam bộ, Hội nghị diễn đàn cao cấp OECD-Đông Nam Á, diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam-OECD và các hội nghị xúc tiến thương mại của tỉnh.

Thực hiện hỗ trợ 63 lượt HTX nông nghiệp xây dựng website thương mại điện tử; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu (Vùng nguyên liệu vải sớm tại xã Phúc Hoà, vùng nguyên liệu trồng măng Lục trúc tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên) góp phần thúc đẩy các HTX ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Năm 2022, đơn vị tham mưu Hội đồng OCOP cấp tỉnh tổ chức 02 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm. Lũy kế đến hết năm 2022 tỉnh Bắc Giang có 205 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (31 Sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch giao và tăng 50 sản phẩm so với năm 2021. Trong năm đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 01 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của HTX Thân Trường, huyện Yên Thế; 01 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đủ tiêu chuẩn 5 sao đã đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận.

Mặc dù vậy bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm còn gặp một số khó khăn, hạn chế:

Nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP của một số địa phương, chủ thể sản xuất chưa rõ ràng, chưa nhận thức được trách nhiệm, quyền lợi của đơn vị khi tham gia chương trình OCOP. Sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn tỉnh tuy nhiểu, song vẫn chưa được khách hàng tin dùng, bởi công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, tính cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương.

Đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, chưa hấp dẫn về mẫu mã, bao bì, chưa đảm bảo các điều kiện như: công bố chất lượng, kiểm soát chất lượng, xác nhận bảo vệ môi trường, tem truy xuất nguồn gốc,... thông tin trên bao bì còn sơ sài, sai so với hồ sơ sản phẩm và chưa đúng quy định về ghi nhãn mác hàng hóa. Phần lớn sản phẩm sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, hạn chế về tư duy thị trường và chủ yếu vẫn ở dạng sản phẩm giản đơn, ít có sản phẩm chế biến sâu hoặc áp dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất.

Nhiều chủ thể sản xuất còn thói quen phát triển thụ động, chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm, năng lực nghiên cứu để phát triển chất lượng sản phẩm còn yếu, chủ yếu sản xuất theo thị trường nhưng chưa quan tâm đến hồ sơ sản phẩm.

Kinh phí thực hiện Chương trình OCOP giao muộn (tháng 11/2022) ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ về OCOP;

Định hướng chỉ đạo phát huy hiệu quả sản phẩm đã đạt OCOP

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch; phiên dịch sản phẩm OCOP của tỉnh sang tiếng nước ngoài để quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng ngoài nước.

Chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025 và năm 2023 để các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện.

Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP để kịp thời kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Thực hiện lồng ghép các Chương trình hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm (hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm…) đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong đánh giá, phân hạng và quản lý sản phẩm OCOP.

Đề xuất kiến nghị

Đề nghị UBND tỉnh có định hướng các sở ngành, địa phương sử dụng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên làm quà tặng, quà biếu trong các sự kiện của địa phương để đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố gắn nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCOP với chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; riêng đối với huyện Lục Ngạn tập trung hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm tiềm năng 5 sao (Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân) tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia./.

Nguyễn Cao Lâm

Chi cục PTNT

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.