Chuyên mục:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức thứ hai cho chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024
Từ ngày 23/4-27/4/2024. Tại Trung tâm Thương mại thể thao Lam Sơn, xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng VPĐP nông thôn mới Trung ương tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức thứ hai cho chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024.
Đối tượng tham gia lớp tập huấn thứ nhất là các chủ thể có sản phẩm, hoặc ý tưởng sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP năm 2024 bao gồm: chủ trang trại, lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể,... trên địa bàn các huyện Lục Ngạn; Yên Thế; Lục Nam; Yên Dũng và Tp Bắc Giang.
Nội dung tập huấn tập trung vào: phương pháp Xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh; Tổ chức quản trị sản xuất; Quản trị chất lượng sản phẩm; Các yếu tố cấu thành chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình OCOP và thực hành sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ tạo lập tài khoản, xác định tiêu chí, nộp minh chứng, tự đánh giá,...
Đồng chí Nguyễn Văn Luy Chi cục trưởng Chi cục PTNT phát biểu khai giảng lớp tập huấn
Các học viên trải nghiệm sản phẩm OCOP thực tế trên lớp tập huấn
Quá trình học tập các học viên được đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế về phát triển sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất hoàn thiện sản phẩm OCOP tại tỉnh Thanh Hoá gồm Cty TNHH chế biến hải sản Ba Làng với các sản phẩm đặc sản nước mắm; mắm tôm tép đạt OCOP 4 sao; Cơ sở sản xuất nem chua Tuyết Minh với sản phẩm nem chua Tuyết Minh đạt 3 sao; Làng du lịch sinh thái Yên Trung; Cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Bá Quý với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao... và tham quan các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP.
Qua lớp tập huấn đã giúp các chủ thể sản xuất nâng cao năng lực, nắm bắt tốt thông tin thị trường, lựa chọn ý tưởng sản phẩm sản xuất kinh doanh, từng bước tiêu chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn để tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường và xuất khẩu cũng như đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình OCOP, đồng thời các học viên được bổ sung kỹ năng truy cập, sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên môi trường điện tử, giúp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số của chương trình.
Một số hình ảnh đi thực tế của học viên tại tỉnh Thanh Hoá
Đỗ Văn Huy - Chi cục PTNT